Hệ thống phanh ABS đang được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Hãy cùng Xe Tải Radio khám phá hệ thống này thông qua bài viết dưới đây nhé!
Hệ thống phanh ABS là gì?
Phanh ABS là một tính năng an toàn được thiết kế để ngăn chặn bánh xe bị kẹt, vì vậy nó còn được gọi là hệ thống chống bó cứng phanh.
Hệ thống phanh ABS là viết tắt của Anti-lock Brake System (hệ thống chống bó cứng phanh)
Trong trường hợp phanh gấp, bánh xe ngay lập tức bị mất độ bám lên mặt đường, dẫn đến tình trạng bị trượt. Khi đó, nếu xe vẫn tiếp tục chuyển động sẽ dẫn đến việc người điều khiển phương tiện bị mất kiểm soát và có thể gây ra tai nạn đáng tiếc.
Tuy nhiên, nếu xe có phanh ABS, mọi chuyện sẽ được giải cứu! Những gì phanh ABS làm chính là ngăn chặn bánh xe bị khoá cứng, giúp đảm bảo vẫn còn một phần kiểm soát xe. Lúc này, bánh xe sẽ tiếp tục quay và xe có thể di chuyển theo bất kỳ hướng nào theo điều khiển của người lái.
Xe có phanh ABS giúp đảm bảo an toàn trong trường hợp phanh gấp
Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh ABS
Cấu tạo phanh ABS trên xe ô tô, xe tải
Về cơ bản, hệ thống phanh ABS có 4 bộ phận chính:
- ECU điều khiển trượt: Đây là bộ phận giúp xác định mức trượt giữa bánh xe và mặt đường.
- Công tắc phanh: Bộ phận này có nhiệm vụ báo cho ECU khi nào người lái đạp phanh và dừng đạp phanh.
- Bộ chấp hành của phanh: Chức năng chính của bộ phận này là cung cấp một áp suất dầu từ xi-lanh chính đến mỗi xi-lanh phanh đĩa theo tín hiệu của ECU để ngăn chặn hiện tượng bó phanh.
- Cảm biến tốc độ: Nó có tác dụng phát hiện tốc độ của từng bánh xe rồi chuyển tín hiệu đến ECU.
Trong một chiếc xe, các cảm biến tốc độ được đặt trên các bánh xe để giám sát tốc độ của mỗi bánh xe. ECU đọc tín hiệu từ mỗi cảm biến.
Nếu phát hiện tốc độ của bất kỳ bánh xe nào đang giảm mạnh so với những bánh khác, ECU sẽ phát tín hiệu đến van của bánh xe tương ứng để giảm áp suất phanh và đóng van lại.
Sau đó, các bánh xe bắt đầu tăng tốc trở lại và tín hiệu lại truyền đến ECU lần nữa, giúp mở van và tăng áp suất phanh. Do đó, phanh xe có hiệu lực trở lại.
Chu kỳ này được lặp lại cho đến khi việc vận hành của phanh được trở nên bình thường.
Những điều các bác tài chưa biết về phanh ABS
Phanh ABS là một hệ thống an toàn giúp chống bó cứng phanh nhưng nó không thể thay thế tài xế. An toàn phụ thuộc vào kỹ năng của người điều khiển, còn ABS chỉ là công cụ hỗ trợ!
Dưới đây là 7 lưu ý mà các bác tài cần nắm rõ khi sử dụng xe có phanh ABS:
1. Không nhấn rồi nhả phanh
Cách phanh xe có ABS khác với xe có phanh truyền thống
Khi lái xe có trang bị hệ thống phanh ABS, hãy thay đổi thói quen phanh truyền thống mà tận dụng lợi thế của thiết bị này. Trong trường hợp phải dừng khẩn cấp, phanh ABS sẽ làm hộ việc chống bó cứng bánh, nhiệm vụ của bạn là phanh mạnh, dứt khoát, không nhả để giữ áp lực ổn định trên bàn đạp.
2. Khi phanh ABS hoạt động, vẫn có thể điều khiển hướng lái để tránh chướng ngại vật
Hãy nhớ rằng ưu điểm của phanh ABS chính là trong khi bạn nhấn phanh, vì bánh xe không khoá nên bạn vẫn có thể bẻ lái để tránh các vật cản một cách an toàn.
Vẫn có thể bẻ lái khi phanh ABS hoạt động
3. Đừng cho rằng xe bạn có phanh ABS cả bốn bánh
Phần lớn các hệ thống phanh ABS hiện đại bao phủ hết 4 bánh nhưng có một số chỉ áp dụng ở bánh sau. Hãy đọc kỹ sách hướng dẫn để xác định loại hệ thống phanh ABS xe bạn sở hữu.
Trường hợp xe chỉ có ABS bánh sau, nếu phải phanh khẩn cấp và bạn thấy mình không thể bẻ lái thì hãy đạp phanh đủ lâu để bánh trước mở khoá.
4. Bạn cần hiểu rõ dấu hiệu báo phanh ABS hoạt động
Trên thực tế có một số tài xế hiểu sai các dấu hiệu phanh ABS khởi động và hoảng sợ dẫn đến tình huống nguy hiểm hơn.
Khi phanh ABS hoạt động, chân phanh sẽ rung để báo với tài xế. Nếu bạn muốn thử cảm nhận điều này, hãy thử phanh khẩn cấp ở khu đất trống không có người.
5. Phanh ABS không hoạt động tốt trong một số điều kiện
Phanh ABS hoạt động tốt nhất trên các bề mặt cứng kể cả đường trơn trượt do mưa, tuyết đóng băng.
Nhưng ngược lại ABS không hoạt động tốt trên các bề mặt lỏng lẻo như sỏi, cát.
6. Phanh ABS không thể tự làm mọi thứ
ABS có thể giúp bạn dừng xe nhanh hơn trong hầu hết các tình huống, nhưng nó sẽ không thể bù đắp cho các hành vi lái xe không an toàn. Nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng mọi người thường có xu hướng lái xe nguy hiểm hơn vì họ nghĩ rằng các hệ thống như ABS đang che chở cho họ.
Vì vậy cần duy trì thói quen lái xe an toàn và phòng thủ ngay cả khi xe bạn có phanh ABS.
7. Chú ý đèn báo phanh ABS
Nhiều tài xế thường bỏ qua đèn cảnh báo trong xe vì cho rằng nó không dẫn đến sự cố hệ thống nghiêm trọng và ngay lập tức. Điều đó cũng đúng một phần với đèn phanh ABS nhưng bạn vẫn nên chú ý đến nó.
Khi đèn ABS hoạt động, tài xế không nên bỏ qua nó
Khi đèn ABS của xe bật sáng, nó thường chỉ ra rằng có vấn đề với một trong các bộ phận của hệ thống ABS như cảm biến tốc độ bánh xe hay một số chi tiết bị hư hỏng…
Lúc này có thể hệ thống phanh ABS vẫn hoạt động bình thường nhưng chắc chắn bạn cần phải khắc phục sớm trước khi ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống an toàn. Trường hợp phanh bị bó cứng khi gặp nguy hiểm, hãy bình tĩnh nhấn và thả như trên hệ thống phanh chuẩn cũ.
Trên đây là những thông tin về phanh ABS. Các bác tài hãy nhớ rằng, phanh ABS chỉ an toàn khi người điều khiển hiểu và sử dụng đúng cách. Vì vậy, việc tìm hiểu nó là hết sức cần thiết nhé!
Xe Tải Radio
♥ Chương trình đặc biệt với sự kết hợp giữa xetairadio.com và otophucuong.vn:
Mỗi 1 xe tải bán được từ giới thiệu của bạn, Phú Cường Auto sẽ gửi ngay: 2-5 TRIỆU ĐỒNG!
Liên hệ hotline để biết thêm thông tin: 0908 068 468